Giới thiệu

Cô nhi viện LONG HOA , nhận nuôi dạy trẻ Nam nghèo không nơi nương tựa , hay mồ côi từ 3 tuổi trở lên. Hiện nay sỉ số trẻ là 125 em NAM , các em được đi học đầy đủ , thậm chí có 5 em đã vào được Đại học , các em được các nhà sư nuôi dạy rất kỹ lưỡng về thể chất , đạo đức và học hành …. >>Xem chi tiết

Câu chuyện về lòng biết ơn

Một thanh niên thành tích học tập ưu tú đến một công ty lớn xin vào chức vụ quản lý, anh vượt qua đợt thi tuyển vòng ngoài, nhưng còn phải trải qua cuộc vấn đáp do chính tổng giám đốc chủ trì.

Đọc lý lịch của người thanh niên, vị tổng giám đốc đánh giá anh rất cao, từ trung học đến nay anh luôn có thứ hạng giỏi, và việc học không hề bị gián đoạn. Ông hỏi: “Anh có nhận học bổng của nhà trường không ?”

Người thanh niên trả lời : “Không có”.

Ông lại hỏi : “Vậy cha của anh đóng tiền học phí ?”

Người thanh niên trả lời: “Ba tôi chết khi tôi mới một tuổi, chính mẹ tôi đóng học phí cho tôi”.

Vị tổng giám đốc: “Vậy chắc mẹ anh làm cấp cao ở công ty nào đó ?”

Người thanh niên trả lời: “Không, mẹ tôi giặt thuê áo quần cho người ta”.

Tổng giám đốc yêu cầu chàng trai cho xem hai bàn tay. Anh có bàn tay nhẵn nhụi không một vết chai. Vị tổng giám đốc hỏi: “Có lẽ anh chưa bao giờ phụ mẹ anh giặt quần áo?”

Người thanh niên trả lời : “Chưa bao giờ, bởi vì mẹ tôi chỉ muốn tôi học chăm, bà nói để bà giặt sẽ nhanh hơn nhiều”.

Vị tổng giám đốc nói : “Tôi có một yêu cầu, hôm nay về nhà
anh hãy rửa tay cho mẹ rồi giúp mẹ anh giặt đồ…, ngày mai đến gặp tôi”.

Lòng vui vô hạn, khi chàng thanh niên thấy mình được hẹn trở lại.

Về tới nhà anh xin mẹ cho rửa tay, nghe nói là yêu cầu của giám đốc nên mẹ anh đồng ý.

Người thanh niên rửa tay cho mẹ, vừa rửa vừa khóc.
Lần đầu tiên anh phát hiện tay mẹ bị lở loét, đầy những vết xước … nhiều lần bà run lên vì xót.

Lần đầu tiên anh hiểu ra, nghề giặt áo quần khổ thế nào,
để đóng học phí cho anh, đôi bàn tay của mẹ là cái giá phải trả cho bằng tốt nghiệp của anh ...

Rửa tay cho mẹ xong, anh giặt hết số quần áo mẹ đã nhận về ...

Tối hôm ấy hai mẹ con trò chuyện với nhau rất lâu.

Hôm sau, đúng giờ hẹn người thanh niên trở lại công ty.

Vị tổng giám đốc hỏi: “Anh đã thực hiện như tôi dặn chưa ?”

Người thanh niên trả lời: “Tôi đã rửa tay cho mẹ và giặt số áo quần mẹ tôi đã nhận”.

Ông tổng giám đốc : “Và anh cảm thấy thế nào?”

Người thanh niên nói: “Tôi học được ba bài học:

Thứ nhất, tôi hiểu được nhờ mẹ mà tôi có ngày hôm nay.
Thứ hai, tôi hiểu được kiếm ra đồng tiền vất vả thế nào.
Thứ ba, tôi hiểu phải nhập cuộc mới cảm thông với cuộc đời”.

Tổng giám đốc nói: “Anh đã được nhận.Tôi chỉ nhận những ai có lòng biết ơn, hiểu được giá trị của lao động cực khổ, và biết cảm thông với người khác. Tôi dị ứng với kẻ xem tiền bạc làm mục tiêu chính của cuộc đời”.

Quả nhiên về sau người thanh niên này rất thành công.
Anh được các nhân viên yêu quý, họ tích cực cộng tác giúp công ty ngày càng phát triển.

Bạn có thể mua cho con đủ thứ tiện nghi, nhưng đừng quên dạy con hiểu giá trị của lao động, và trân trọng những gì mình nhận được.

Có thế sau này, khi ra ngoài xã hội, chúng mới biết cảm thông với khổ đau của cuộc đời.

Đó chính là cách bạn dạy cho con mình lòng biết ơn với cuộc sống

Sưu tầm

Quỷ thần hai vai chứng giám

Hoa sen

Quỷ thần hai vai chứng giám
Tác giả: Thích Chân Tính


Cây Bồ đề to lớn sừng sững phía trước cửa chùa. Những chiếc lá hình trái tim sum suê xanh tươi đang nhẹ nhàng lay động. Tiếng dế nỉ non hòa trong không gian tĩnh mịch. Những vì sao đang hiện rõ trên nền trời xanh thẫm. Cảnh vật chìm dần vào bóng đêm. Bên cội Bồ đề, dưới ánh sáng mờ nhạt của ngọn đèn tròn, tượng Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi uy nghiêm. Quang cảnh đã gợi lại hình ảnh sống động cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, nơi gốc cây Pippala, Sa môn Cù Ðàm đang ngồi trầm tư mặc tưởng.

Một chiếc xe đạp dừng lại, cậu bé khoảng mười bốn tuổi xuống xe dẫn bộ qua khỏi nơi Ðức Phật ngồi. Khi em vừa định lên xe đi tiếp thì tôi từ một gốc cây bông sứ cạnh đó bước ra đón đường hỏi chuyện.

– Em đi đâu về tối vậy?

Hơi ngạc nhiên trước sự xuất hiện đột ngột của tôi, em lúng túng đáp:

– Thưa… Thưa thầy, con đi mua thuốc cho má con.

– Má em bệnh gì vậy?

– Dạ, má con bị cảm sốt.

Biết em đang vội về nên tôi vào đề ngay:

– Thường thường vào ban đêm những người qua lại nơi đây đều chạy xe luôn. Lâu nay tôi để ý chỉ có một mình em là xuống xe. Nhất là hôm nay, trong khi má đau cần thuốc gấp như vậy, tại sao em không chạy luôn mà lại xuống xe dẫn bộ?

- Dạ, thưa thầy tại vì con làm theo đúng tấm bảng này.
Cậu bé đưa tay chỉ tấm bảng đen đề những chữ trắng
“NƠI TÔN NGHIÊM, YÊU CẦU XUỐNG XE DẪN BỘ”.

Tôi mỉm cười nói:

– Biết rồi cậu bé ơi! Nhưng nhiều người nói ban đêm Phật ngủ. Còn chúng Tăng trong chùa thì đi nghỉ cả rồi, có ai thấy đâu mà sợ la rầy.

– Dạ, thưa thầy, má con nói là người ta có quỷ thần hai vai chứng giám. Ban ngày hay ban đêm gì cũng vậy, nếu mình làm sai quỷ thần đều ghi chép đầy đủ. Mình có dối người khác được chứ không dối quỷ thần hai vai của mình được đâu thầy.

– Vậy hả? Thế là em vì sợ quỷ thần hai vai ghi chép nên không dám làm sai lời tấm bảng này phải không?

Cậu bé gật đầu dạ rồi vội vã cáo từ và lên xe.

Do không ý thức nơi tôn nghiêm, một số người qua lại trong khuôn viên chùa, trước tượng Phật, cứ phóng xe tự nhiên. Hơn ba tháng nay chùa đã cho dựng tấm bảng cấm ấy để nhắc nhở. Sự xuất hiện của tấm bảng đã giúp họ biết lễ độ khi đi ngang qua nơi thờ phụng và nếu ai cố tình vi phạm sẽ bị chúng Tăng nhắc nhở. Thế nhưng công hiệu của tấm bảng chỉ được một vài tuần đầu. Dần dần, mỗi lần chạy xe ngang qua họ đều ghé mắt vào chùa quan sát coi có ai để ý gì không, nếu có thì chấp hành tốt xuống xe dẫn bộ, còn không thì tiếp tục hành trình trên con ngựa sắt. Dường như họ chỉ sợ người trong chùa thấy chứ không tôn trọng tấm bảng cấm. Cũng giống như đến ngã tư đường người ta không nhìn đèn đỏ mà cứ nhìn xem có anh công an không! Ðã chạy vào đường ngược chiều không sợ nguy hiểm về tai nạn xe cộ mà lại sợ cảnh sát giao thông! Hình như phần đông người ta chỉ sống bằng hình thức bên ngoài nhiều hơn là sống thực với lòng mình. Họ không tin sợ ở chính mình mà chỉ sợ những thứ bên ngoài mình. Và oái oăm thay, những điều bất hạnh xảy ra nơi cuộc đời này lại bắt nguồn từ những người không biết tin sợ chính mình. Một khi người ta tự dối mình thì cũng sẽ dối được với cha mẹ ở nhà, lừa gạt thầy bạn ở trường và gian trá với quần chúng ngoài xã hội. Nếu một lỗ mọt trong con đê không được lấp kín kịp thời, thì chẳng bao lâu nước sẽ phá vỡ cả bờ đất lớn.

Khi tinh thần tự giác còn quá thấp, trình độ giáo dục còn hạn chế, khi mà người ta chưa sống thật với lòng mình ở mọi hoàn cảnh thì sự hiện diện của Pháp luật và Công an vẫn còn cần thiết để hạn chế tội
lỗi. Và nếu trình độ khoa học chưa đủ khả năng giáo dục con người sống chân thật với chính mình, thì quỷ thần hai vai cũng vẫn còn tác dụng giúp cho một đứa trẻ chân chất nơi miền quê biết xuống xe dẫn bộ khi đi qua bảng cấm lúc vắng người.

Nguồn: chuahoangphap.com.vn

Lòng hiếu của Mít


Lòng hiếu của Mít
Tác giả: Thích Chân Tính

   

Mít là một cậu bé xinh xắn, nghèo nàn, đang vội vã băng qua những đường phố náo nhiệt về nhà. Đường phố thì ồn ào và đông đúc các loại xe hơi, xe buýt và khách bộ hành. Mùi thơm phảng phất đâu đây của món ăn Đông phương bay trong bầu không khí buổi chiều.
Cuối cùng, cậu đã đến chỗ có ánh sáng trắng chiếu trên tấm bảng “người cho mượn tiền”.
Mít mở cửa ra, gặp ông chủ là người mập mạp, có khuôn mặt to và cái miệng tí xíu. Ông đang ngồi ở trên chiếc bàn giấy.
– Chào cậu bé!
– Kính chào bác ạ!
– Cháu cần việc gì?
Mít hít một hơi thật dài:
– Cháu muốn nhờ bác giúp đỡ cho cháu mượn một số tiền!
– Tôi biết rồi! Ông đưa tay chà lên mặt với những chiếc nhẫn quý đeo nơi ngón tay mập bự.
Cậu bé đặt tay vào trong túi áo dơ bẩn và mỏng manh của mình, rồi nói:
– Cháu cần tiền thưa bác!
Ông chủ cười:
– Tất cả chúng ta ai mà không cần tiền hở chú bé?
– Một số người cần tiền hơn những người khác, thưa bác!
– Đúng! Đó là sự thật nhưng tôi là một thương gia và nếu cho cháu mượn tiền, ít ra tôi phải nắm chắc cháu có thể trả lại số tiền ấy hay không?
– Thưa bác! Cha cháu đã từ trần, hiện mẹ cháu đang đau nặng. Mỗi tuần cháu làm việc chỉ được có 10 đồng tiền công. Cháu phải đưa mẹ tới vùng núi để an dưỡng, vì bác sĩ nói bà sẽ trở nên khá hơn khi sống ở trên đó. Cháu hứa sẽ cố gắng làm việc thật chăm chỉ và hoàn trả số tiền mà bác cho cháu mượn. Cháu sẽ trả lại rất mau bác ạ!
Ông chủ nhìn cậu bé. Cậu đang thở một cách nặng nề. Cậu khao khát và hồi hộp. Ông chủ cảm thấy thương hại cho đứa trẻ, nhưng sự buồn lo là điều không tốt đối với người doanh thương. Ngày qua ngày, những ý nghĩ đó đã là một trận đấu tranh sâu sắc trong lòng ông. Người ta đến văn phòng ông toàn là những người nghèo khổ, nghèo kinh khủng. Nhiều lần, ông muốn cho và giúp đỡ họ, nhưng ông lại luôn luôn chống trả ý nghĩ này. Ông tự nhủ: “Ta là người cho mượn tiền, không phải là người cho tiền không người khác”.
– Cháu à, ta không thể giúp cháu được đâu!
Mít nhìn ông và cặp mắt đẫm lệ.
– Cháu tên gì?
– Thưa bác, tên của cháu là Mít ạ!
– Thế Mít, cháu có ít tiền nào không?
– Dạ có, 10 đồng. Cháu vừa mới lãnh lương xong!
– Mít, cháu có biết xổ số là gì không? Cháu có biết những tấm vé số ra sao không? Đây là một tấm vé số với các con số trên đó. Tuần sau sẽ xổ số, nếu tấm vé số của cháu có những con số trúng, cháu sẽ lãnh được 500 ngàn đồng. Với tấm vé số này, cháu hy vọng trúng tất cả số tiền ấy!
– Cháu sẽ hy vọng trúng! Nhưng thưa bác, đó là một hy vọng mờ ảo. Mười đồng của cháu có nghĩa là sự sống hằng ngày, nếu còn lại chỉ 5 đồng cháu sẽ làm được gì đây?
– Nghĩ kỹ đi cậu bé! Đó là một cơ hội tốt để giúp đỡ mẹ cháu!
– Nhưng cháu sẽ nói thế nào với mẹ khi cháu chỉ còn 5 đồng thôi? – Mặt cậu bé tỏ vẻ lo lắng khi nghĩ về những câu hỏi khó khăn này.
– Cháu có thể nói rằng cháu đã đánh mất nó!
– Như vậy, cháu phải nói dối với mẹ rồi!
– Cháu Mít ạ! Thỉnh thoảng, một người được nói láo ngay cả đến người yêu của mình nếu nguyên nhân là tốt, nếu đó là một lý do chính đáng.
Mít rờ thấy hai tờ giấy bạc 5 đồng dơ bẩn trong túi của mình. Đây là công lao của việc làm suốt một tuần, thức ăn của cả một
tuần, đem đổi lấy một tấm giấy màu này.
– Bác cho cháu tấm vé số ấy!
Ông chủ, với bàn tay trắng mềm đưa qua chiếc bàn giấy. Mít có thể thấy những số mà nó sẽ đem đến trong giấc mơ của cậu: 012639. Tờ giấy bạc 5 đồng được rút ra khỏi túi và thay vào đó là tấm vé số.
Mít sống trong phần đất nghèo nàn nhất của tỉnh, chạy dài xuống phía dưới con sông. Những căn nhà được làm bằng loại thùng thiếc đựng dầu và các loại thùng gỗ. Ở đó, có những mùi thật khủng khiếp. Ba người đàn bà đang cãi lộn. Hai người đàn ông đang chơi cờ phía dưới ngọn đèn dầu mờ nhạt. Một ông khác đang ăn ngấu nghiến trong khi một con chó cũng vừa chạy vào bóng tối mang theo mảnh thức ăn rớt từ cái đĩa của ông.
Mít mở cửa nhà. Mẹ cậu mỉm cười, gương mặt xinh đẹp của bà trước đây giờ đã trở nên gầy gò và trắng nhợt.
– Mít đấy à, con về hơi trễ đấy!
– Vâng, con đã đi trở lại nơi làm việc hai lần!
– Tại sao vậy hả con?
– Con bị mất 5 đồng, có lẽ con đã đánh rớt nó ở đâu đó!
– Ồ Mít! – Bà sắp nói một cách giận tức với con, nhưng gương mặt trẻ trung của cậu lộ vẻ hoảng sợ. Mít là một đứa trẻ ngoan ngoãn, làm việc rất chăm chỉ mới kiếm được số tiền đó – Thôi được, chúng ta cố gắng sắp xếp việc nhà sao cho ổn thỏa là được. Con đến dùng cơm luôn đi!
Mít ngồi ăn cơm trên chiếc hộp cũ mèm và nghĩ thầm: “Ta sẽ không bao giờ nói láo với mẹ nữa”.
Buổi sáng, cậu giấu tấm vé số vào trong tấm hộp thiếc đen nhỏ chứa đựng những bảo vật. Những bảo vật này gồm có: một tấm hình của cậu chụp chung với một anh thủy thủ và một chiếc nhẫn mà cậu đã lượm được trên đường. Đó là chiếc nhẫn tuyệt đẹp. Viên đá quý bên trong nó chiếu sáng lấp lánh khi đưa ra ánh sáng mặt trời. Đối với Mít, nó là một vật đẹp, món sở hữu quý báu nhất.
Những ngày kế đó, cậu sống trong tình trạng lo âu bồn chồn, chờ đợi kỳ xổ số. Mỗi thứ ba đều có xổ số tại rạp hát. Nếu có vé số, bạn có thể đi vào đó dò xem. Cầm tờ vé số trong tay, Mít nhập vào đám đông đi vô rạp hát. Có sáu cái trống (thùng tròn), mỗi cái đều có những số trên đó. Một người đàn ông to lớn trong chiếc áo đỏ ra dấu và sáu cậu bé với trang phục màu xanh bước ra phía trước. Mỗi cậu đi đến một cái trống. Sáu cậu bé này cầm hy vọng của hàng ngàn người. Ông to lớn ra dấu, cậu bé thứ nhất quay cái trống. Trống được đà quay rất nhanh khiến không ai có thể nhìn thấy số được. Rồi nó đi chậm lại: 9, 8, 7, 6 chậm hơn: 5, 4, 3, 2, chậm nữa: 0 và nó dừng lại. Đó là số đầu tiên trên tấm vé số của Mít. Rồi cậu bé thứ hai tiếp tục và nó ngưng ở số 1. Mít thì thầm cậu nguyện. Cậu bé thứ ba lại quay tiếp, nó ngừng ở số 2. Còn ba số nữa mẹ mình sẽ sống trên núi suốt đời. Mít cầu nguyện chiếc trống thứ tư đã ngưng ở số 5. Cậu khóc lên và chạy ra khỏi rạp hòa vào phố xá.
Chiều tối, cậu xem báo và đọc những số trúng, cậu thấy không trúng gì hết. Không có gì cả, chiếc vé của cậu không còn giá trị nữa.
Lúc đó, cậu quyết định bán chiếc nhẫn. Cậu nghĩ: ta có thể nhận 5, 10 đồng hoặc 20 hay có lẽ 100 đồng với chiếc nhẫn này, hay có thể 1000 đồng. Nó là chiếc nhẫn đẹp, chiếu lấp lánh như ánh lửa ngoài nắng. Một người nào đó có thể đánh lừa ta và trả giá rẻ hơn so với giá trị của nó. Ông chủ tiệm hẳn sẽ biết rõ về chiếc nhẫn này. Cậu bèn chạy đến cửa tiệm của người cho mượn tiền. Ông chủ đang đóng cửa tiệm thì ngay khi ấy, cậu cũng bước tới.
– Chào cậu bé! Ta hy vọng cháu đến
đây với những tin tốt đẹp!
– Thưa bác, cháu chẳng được gì hết, ngay cả một số tiền nhỏ nhất, cháu không trúng gì cả. Cháu sẽ cố gắng làm việc và cháu sẽ làm việc cho đến khi nào dành dụm được 5000 đồng để mua một mảnh đất nhỏ trên núi. Rồi cháu sẽ xây một căn nhà bằng đá cho mẹ cháu. Cháu sẽ làm việc trên cánh đồng ấy cho đến khi làm chủ nó. Mẹ cháu sẽ trở nên khỏe mạnh như cũ!
– Vậy giờ cháu muốn gì nữa?
– Thưa bác! Cháu có một chiếc nhẫn mà cháu lượm được lâu rồi. Một chiếc nhẫn tuyệt đẹp. Cháu phải bán nó đi và không biết nó đáng giá bao nhiêu?
Mít đưa chiếc nhẫn ra ánh sáng cho nó chiếu.
– Ồ! nó thật tuyệt, đẹp quá! Cháu đã gặp nó ở đâu vậy?
– Cháu đã gặp nó ở trên con đường đi về
phía những con tàu!
– Cậu bé thân yêu của tôi ơi! Chiếc nhẫn này thuộc về vợ tôi và trước đó nó là của mẹ vợ tôi. Tôi đã hứa là sẽ trả 5000 đồng cho bất kỳ ai tìm thấy nó.
Ông chủ lấy một chiếc chìa khóa và mở tủ sắt kiên cố của mình. Mít thì rất ngạc nhiên về việc giàu có một cách quá đột ngột của mình như thế. Mẹ cậu có thể sống trên núi, không khí tươi mát sẽ làm cho bà khoẻ trở lại. Cậu nhìn ông chủ đếm 50 tờ giấy 100 đồng.
– Tiền đây, bây giờ cháu hãy đưa cho ta chiếc nhẫn!
Đó là chiếc nhẫn đẹp chiếu lấp lánh như lửa khi đưa ra ngoài ánh sáng.
– Cám ơn bác, cám ơn bác nhiều. Cháu phải chạy về nhà gấp và nói với mẹ cháu biết, ngày mai cháu và mẹ lên núi sống và ở trên đó.
– Chúc cháu được nhiều hạnh phúc!
Sau khi bắt tay, cậu bé cáo từ và khuất dạng vào bóng đêm.
Ông chủ đóng cửa tiệm lại và đứng ở phía ngoài một lát.
Một chiếc xe rác đi qua, thu gom những thứ dơ bẩn từ các căn nhà. Ông quăng chiếc nhẫn vào trong xe rác. Rồi băng qua đường đi tới tiệm cà phê, nơi mà hằng đêm ông thường đến đó để ăn bữa cơm chiều đơn độc.
Trong những buổi chiều dài lê thê lẻ loi ấy, ông nghĩ rằng, lẽ ra mình đã có vợ rồi thì phải.


Nguồn: chuahoangphap.com.vn

Học đánh máy chữ

Tác giả: Thích Chân Tính

   Chú tiểu Lâm đứng ngoài cửa sổ nhìn một cách say mê và đầy khao khát vào nơi thầy thư ký đang đánh máy chữ. Tiếng đánh máy lách cách đều đặn của thầy có sức thu hút lạ kỳ đối với chú không chỉ bây giờ mà ngay từ những ngày đầu khi mới bước chân vào chùa. Ôi, tại sao những ngón tay của thầy lại lướt nhẹ nhàng, lanh lẹ trên bàn máy một cách tuyệt diệu như thế? Ðặc biệt là thầy không hề nhìn vào hàng chữ mình đánh, nhưng lại không sai sót một dấu nào. Nếu có sai thầy ngừng tay và sửa lại liền. Chú tiểu Lâm có cảm tưởng như thầy còn có con mắt thứ ba nào đó đang nhìn vào bàn máy nên biết rõ tất cả. Chú quyết tâm tìm cho ra nguyên nhân nào đã dẫn đến sự thành công này. Do vậy, cứ mỗi lần thầy đánh máy chữ là chú tìm cách đến bên cạnh để xem. Một hôm, chú vừa mon men lại chỗ thầy làm việc, thầy có vẻ không bằng lòng và hỏi:

– Sao chú không học kinh, lại đây làm gì?

– Dạ, con xem thầy đánh máy.

– Chú nên nhớ, người lịch sự không bao giờ đứng ngó người khác làm việc như vậy.

Mặt chú hơi đỏ vì “quê”.

– Bạch thầy, không phải con tò mò về nội dung bài thầy đang đánh máy mà con muốn tìm hiểu về phương pháp đánh máy chữ của thầy.

– Biết vậy rồi. Dù sao tình ngay nhưng lý vẫn gian. Lần sau chú không nên hành động như thế. Nếu chú muốn học thì cứ nói, tôi sẽ dạy cho.

– Mô Phật, xin thầy hoan hỷ thứ lỗi và xin thầy chỉ dạy cho con học.

Thầy gật đầu đồng ý. Chú tiểu Lâm cáo từ và lẳng lặng đi ra. Tuy hơi “quê” khi bị thầy chỉnh nhưng dù sao chú cũng nhận ra khuyết điểm và coi đó là một bài học đáng nhớ.

Từ đó chú tiểu Lâm ngày đợi đêm mơ tính từng ngày một. Thế nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, đã hơn hai mươi ngày rồi mà thầy thư ký chưa đếm xỉa gì đến việc “cầu pháp” của mình. Ðã vậy, mỗi lần gặp thầy chú định nhắc lại lời thầy hứa và xin chỉ dạy nhưng dịp may đã chẳng đến. Tuy nhiên, sự thờ ơ và im lặng của thầy vẫn không làm giảm sút ý chí cầu học và trái lại càng tăng thêm lòng kiên nhẫn của chú. Một hôm thầy đang ngồi làm việc, chú Lâm đến bên cạnh chắp tay thưa:

– A Di Ðà Phật, bạch thầy.

Thầy ngó ngoái lại và hỏi:

– Có việc chi không chú?

– Hôm trước thầy hứa dạy con đánh máy chữ.

– À, à, thế hả! Vậy chiều nay tôi sẽ dạy.

– Bạch thầy, vào lúc mấy giờ ạ?

– Khoảng hai giờ chú sang đây.

Suốt buổi trưa hôm đó, chú tiểu Lâm không thể chợp mắt được. Hết nằm lại ngồi thấp thỏm chờ đợi, chốc chốc chú lại nhìn đồng hồ. Chú càng mong muốn cho thời gian ngắn lại bao nhiêu thì nó lại càng dài ra bấy nhiêu. Sốt ruột quá, mới hơn một giờ rưỡi chú đã đến trước phòng thầy thư ký ngồi chờ, nhưng mãi đến hai giờ rưỡi thầy mới mở cửa cho chú vào.

Lúc này, trước mặt chú trên bàn là chiếc máy đánh chữ, bên phải là tờ giấy mẫu với những chữ ưưư, ơơơ, ơươ… và một số chữ khác cũng sắp xếp theo kiểu tương tự. Thoạt tiên thầy nói sơ qua về cách sử dụng máy. Kế đến thầy hướng dẫn chú đặt 8 ngón tay trên 8 chữ nhất định ở hàng chữ thứ ba từ trên đếm xuống, còn hai ngón cái dùng vào việc nhấn cách khoảng giữa từ này với từ khác. Sau khi nắm rõ ngón nào đặt trên chữ nào rồi, thầy không cho chú nhìn vào máy nữa, trong lúc đánh chỉ nhìn vào tờ giấy mẫu. Sau khi đánh xong một hàng chú mới được phép nhìn những chữ đã đánh để kiểm tra lại xem đúng sai thế nào. Vì tay còn cứng vả lại chưa quen nên chú đánh hay bị lộn và nhảy chữ lung tung. Tuy nhiên chỉ mười lăm phút sau chú đã khá thuần và xin thầy học qua chữ mới. Thầy hỏi:

– Chú thuộc kỹ chưa?

– Bạch thầy thuộc kỹ rồi ạ.

- Bây giờ tôi kiểm tra lại nhé?

– Mô Phật.

– Nếu đúng thì tôi dạy chữ mới, còn sai thì chú tiếp tục tập cho đến khi nào thuộc thì thôi. Ðồng ý chứ?

- Mô Phật.

Chú tiểu Lâm mặc dù đã tự tin nơi khả năng của mình, nhưng khi nghe thầy ra điều kiện như vậy cũng hơi hồi hộp. Trước khi dò, thầy hỏi lại:

– Chuẩn bị chưa?

– Bạch thầy rồi.

Vừa dứt lời thầy đọc thật nhanh:

– ươư cách ơươ cách ưươ cách ơơư cách ……

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tay chú Lâm vẫn quíu lại, đánh lộn xà ngầu lên. Xong một hàng thầy hỏi chú:

– Bây giờ tôi đọc lại cho chú dò xem có sai chỗ nào không?

Sau khi đọc xong, chú đáp:

– Bạch thầy có sai.

– Nhiều ít?

– Dạ khá nhiều.

Thầy mỉm cười:

– Vậy là chưa thuộc rồi. Tập lại đi thôi và chú nên nhớ là học làm sao từ chưa thuộc mặt chữ đến thuộc làu, đánh làm sao cho từ chậm đến thật nhanh.

Chú Lâm dạ rồi tiếp tục học. Ðến lần thứ hai, thứ ba cũng vậy. Qua lần thứ tư chú mới nhuần nhuyễn thuộc làu. Học xong hai chữ ư, ơ, thầy nói:

– Thôi hôm nay học bấy nhiêu đủ rồi.

Chú Lâm ngước lên nhìn thầy có vẻ khẩn khoản:

– Xin thầy dạy con học thêm ít chữ nữa. Giờ này còn sớm lắm.

– Từ từ mà học. Ăn cái gì cũng phải cho nó có thời gian tiêu hóa nữa chứ. Coi chừng “dục tốc bất đạt” đấy.

Chú lưỡng lự chưa muốn rời khỏi bàn máy:

– Bạch thầy, học như vậy biết chừng nào con mới đánh được như thầy?

Thầy hơi nhếch môi cười. Tâm lý nôn nóng của chú Lâm chẳng khác gì thầy trước kia. Thích cái gì là muốn làm cho bằng được. Thầy nhắc nhở:

– Chú biết không, lúc trước tôi thấy người ta nói chuyện với người nước ngoài bằng tiếng Anh, tôi rất mê và ao ước nói được như vậy. Khi vào trường học, giáo sư dạy chậm quá, vì nôn nóng muốn nói được ngay nên tôi về nhà học thêm từ mà không để ý đến văn phạm. Ðến khi học lên cao, chữ thuộc nhiều nhưng văn phạm mất căn bản. Thế là tôi nói sai bét hết. Quay trở lại học lớp thấp thì ngại, mà học tiếp lên cao thì không hiểu. Cuối cùng tôi đã phải bỏ ngang. Thế đó chú, việc học cũng chẳng khác việc tu hành đâu, vì tất cả pháp đều là Phật pháp. Muốn sáng tỏ một vấn đề gì phải chuyên chú và quán triệt nó một cách rốt ráo. Có được như vậy việc tu hay học của chúng ta mới đỡ vất vả và sự thành công sẽ vững chắc hơn.

Nghe thầy nói có lý, chú Lâm vui vẻ đứng dậy chắp tay xá chào lui ra. Từ đó mỗi buổi chú học khoảng một giờ và thuộc từ hai đến bốn chữ. Sau mỗi buổi học, những lúc rảnh rỗi chú gợi lại những chữ đã học và nhịp nhịp ngón tay như là mình đang ngồi đánh trước bàn máy. Do chuyên tâm như vậy, khoảng ba tháng sau chú đã đánh thông thạo không thua kém gì thầy.

Một hôm chú đang ngồi đánh máy một cách say mê. Những ngón tay thoăn thoắt lướt nhẹ trên bàn máy và tiếng đánh máy liên tục dòn như bắp rang. Chợt tiếng thầy thư ký vang lên khi bước vào phòng:

– Chu choa, hôm nay đánh máy khá quá!

Lúc đó chú Lâm rùng mình vì lời khen của thầy. Bây giờ chú mới nhận ra mình đã đạt đến trình độ khá cao. Thật xứng đáng với lòng kiên nhẫn học tập của chú. Có đôi lần đánh máy, chú thấy dường như thân tâm mình đã hòa cùng chiếc máy thành một dòng trôi chảy liên tục, lúc ấy ý thức không còn phân biệt như trước nữa. Chú đánh máy mà không còn thấy mình đánh máy. Từ bài học kinh nghiệm thực tế này, chú nghĩ đến pháp môn Tịnh độ trì danh hiệu Phật. Nếu mỗi ngày mình chịu khó huân tập chủng tử Phật danh, thì chắc chắn không bao lâu sẽ đạt đến nhất tâm bất loạn. Lúc ấy niệm đã thuần thục rồi thì khi niệm mà không thấy mình niệm, không niệm nhưng vẫn niệm. Chú mỉm cười sung sướng vì nhận ra được chân lý này và nói:

– Ðúng là “Tất cả pháp đều là Phật pháp”.

Nguồn: chuahoangphap.com.vn

Tặng một vầng trăng

Tác giả: Sưu tầm

Một vị thiền sư ẩn tu trong am tranh trên núi, một hôm nhân buổi tối đi dạo trong rừng, dưới ánh trăng vằng vặc, đột nhiên ngài ngộ ra trí tuệ của mình.

Ngài vui mừng trở về nơi ở, nhìn thấy am tranh của mình bị kẻ cắp lục lọi, kẻ cắp tìm không ra của cải gì, lúc sắp sửa bỏ đi, thì gặp thiền sư ở cổng. Thì ra, sợ kẻ trộm giật mình, thiền sư từ nãy đến giờ cứ đứng đợi ở cổng. Ngài chắc chắn kẻ trộm không tìm được bất cứ đồ đạc gì đáng giá, liền cởi chiếc áo ngoài của mình cầm sẵn trong tay.

Kẻ cắp đang trong lúc kinh ngạc bối rối, thì Thiền sư nói:

– Từ đường rừng núi xa xôi, cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không! Đêm lạnh, cậu hãy mang theo chiếc áo này!

Vừa nói, ngài vừa khoác chiếc áo lên người kẻ cắp. Hắn ta lúng túng không biết làm thế nào, cúi đầu chuồn thẳng.

Nhìn theo bóng kẻ cắp đi dưới ánh trăng vằng vặc, rồi mất hút trong rừng núi, thiền sư không khỏi cảm thương liền khẳng khái thốt lên:

– Hỡi con người đáng thương kia, ta chỉ mong được tặng cậu một vầng trăng sáng.

Sau khi tiễn đưa kẻ cắp bằng mắt, thiền sư đi vào am tranh ngồi thiền, ngài nhìn trăng sáng ngoài cửa sổ rọi vào khoảng không trong nhà.

Hôm sau, dưới sự vuốt ve dịu dàng, ấm áp của ánh trăng, từ trong buồng thiền sâu thẳm, ngài mở mắt ra, nhìn thấy chiếc áo ngoài mà ngài đã khoác lên người kẻ cắp được gấp gọn gàng, tử tế, đặt ở cửa. Vô cùng sung sướng, thiền sư lẩm bẩm nói:

– Cuối cùng ta đã tặng cậu ấy một vầng trăng sáng.

LÂM THANH HUYỀN
(Theo Kinh điển truyện ngắn cực ngắn…)
Người dịch: VŨ CÔNG HOAN

Nguồn: chuahoangphap.com.vn

 
Cô Nhi Viện Long Hoa - Trường nuôi dạy trẻ mồ côi © 2012 | trantoan.cntt@gmail.com 0933 32 52 92, ,